Ngày 14/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
Cùng tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước.
Tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu 63 địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp Nhà nước của địa phương.
Sau khi lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp, tập đoàn nêu tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, sáng 14/9, đại diện Bộ Công Thương, NHNN và Bộ Tài chính đã trực tiếp giải đáp những vấn đề mà doanh nghiệp nêu ra. Đồng thời, các bộ, ngành đều thống nhất cần khẩn trương xây dựng thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho DNNN cũng như các doanh nghiệp khác sớm phục hồi để phát triển.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, Bộ Công Thương luôn mở rộng cửa, sẵn sàng đối thoại cũng như hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Mở rộng cửa, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thời gian qua, ngành công thương đã họp liên tục với các bộ, ngành liên quan và có rất nhiều cuộc họp trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho các DNNN về sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường hay phát triển thị trường trong nước... đồng thời, Bộ cũng tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề đưa ra các giải pháp tháo gỡ về đảm bảo hàng hoá thiết yếu, đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo đầu vào cho các ngành hàng.
Đối với ý kiến của Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel về mong muốn các bộ, ngành thường xuyên lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là vướng về quy định, chính sách để kịp thời phát hiện và tháo gỡ sự bất cập, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: Bộ Công Thương luôn luôn mở rộng cửa và sẵn sàng lắng nghe, trao đổi cũng như có ý kiến phản hồi đối với các đề xuất của doanh nghiệp. Không chỉ trao đổi, Bộ còn khẩn trương đưa ra các chỉ đạo thiết thực như việc đảm bảo cung ứng xăng dầu, điện cho nền kinh tế trong giai đoạn có nhiều biến động như vừa qua.
Về kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đối với sửa đổi Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí thay thế Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017 của Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết đã ghi nhận, tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp và đang xin ý kiến của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. “Đây là nội dung rất quan trọng được Bộ Công Thương làm chi tiết, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 9 này”, Thứ trưởng thông tin.
Đối với ý kiến của các tập đoàn năng lượng (EVN, PVN, TKV), Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cơ chế triển khai các dự án năng lượng có cơ chế bao tiêu đảm bảo nguồn cung vật liệu, nguyên liệu và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm rất cần sự chung tay của các tập đoàn, các tổng công ty hợp tác hỗ trợ thiện chí lẫn nhau nhằm thực hiện nhiệm vụ lớn nhất là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp năng lượng cho cả nền kinh tế.
Về nội dung thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chiến lược quốc gia về phát triển ngành hydrogen, Bộ Công Thương cũng khẳng định nhất trí tinh thần phối hợp và ủng hộ sự cần thiết thực hiện 2 chiến lược quan trọng này.
Về đề xuất của Tổng công ty Lương thực miền Bắc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về xuất khẩu gạo. Trong đó, quy định chặt chẽ, cụ thể, khả thi về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, chất lượng lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu, các thương nhân phải liên kết với người trồng lúa trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo..., tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam.
“Chúng tôi đang ghi nhận và tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội một cách thận trọng nhất để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp Việt, cũng như đảm bảo giữ vững thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Dự kiến Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 107 trong tháng 9”, Thứ trưởng thông tin.
Cuối cùng, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Bộ Công Thương có thương vụ ở các nước luôn sẵn sàng cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp và thường xuyên cập nhật cảnh báo từ các thị trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng có cuộc họp giao ban thương vụ định kỳ hàng tháng để doanh nghiệp cũng như các thương vụ trao đổi thông tin cũng như đưa ra các cảnh báo mới cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp hãy nghiên cứu kĩ các hiệp định thương mại để có thể tận dụng hết các ưu đãi. Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thêm các thị trường cho hàng hoá Việt Nam, cũng như nỗ lực đàm phán thêm các hiệp định thương mại thế hệ mới tiếp theo. Bộ Công Thương luôn mở rộng cửa và sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp”, Thứ trưởng nói.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN điều hành tỷ giá cân nhắc trên cục diện toàn nền kinh tế, không vì lợi ích của bất kỳ doanh nghiệp nào - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Điều hành tỉ giá cân nhắc trên cục diện toàn nền kinh tế
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đang diễn biến khó lường thì NHNN đang nỗ lực điều hành, điều tiết các giải pháp chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường kinh tế vĩ mô. NHNN cũng là 1 trong số các bộ, ngành tích cực triển khai cải cách thủ tục hành chính. NHNN cũng đã 7 lần dẫn đầu bảng xếp hạng PAR INDEX 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ với điểm chỉ số cải cách hành chính là 91,77% góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.
Với vai trò là hệ thống cung cấp nguồn vốn tín dụng, thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và NHNN cũng đã có nhiều cuộc họp triển khai tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong vấn đề tín dụng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định: Các DNNN đều là các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn rất lớn, do đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng trong hệ thống trên cơ sở khả năng cân đối vốn phối hợp với các ngân hàng khác để có thể đồng tài trợ.
Trường hợp số vốn quá lớn không thể đồng tài trợ, NHNN cũng sẽ hướng dẫn các ngân hàng báo cáo lên cấp có thẩm quyền để cấp tín dụng. Đơn cử như vừa rồi, Vietcombank đã báo cáo về việc trình và cấp tín dụng cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 của Tập đoàn điện lực Việt Nam với tổng số vốn lên đến 27.000 tỷ đồng.
Thời gian vừa qua, do tác động của dịch COVID-19 và do bối cảnh khó khăn chung của toàn thế giới khiến các DNNN gặp khó khăn về nguồn tiền và tín dụng. Trước tình hình đó, NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 áp dụng trong giai đoạn 2019-2020.
Và mới đây, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Các thông tư này nhằm giúp DNNN giãn nợ cũng như có thể tiếp tục vay tiền của các tổ chức tín dụng trong hệ thống khôi phục lại việc kinh doanh.
Về cung ứng chính sách tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó có lúa gạo, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Đây là lĩnh vực Chính phủ có chủ trương ưu tiên, NHNN cũng đã chủ trì và trình Chính phủ ban hành nghị định ưu đãi cho các doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn ưu đãi về lãi suất, tài sản đảm bảo, thời hạn trả nợ… Đến nay, dư nợ nông nghiệp nông thôn của toàn hệ thống là 3 triệu tỷ đồng trên tổng số quy mô 12 triệu tỷ đồng của toàn hệ thống. Con số này cho thấy lĩnh vực nông nghiệp nông thôn rất được Chính phủ quan tâm.
Về vấn đề hạn mức tín dụng như Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích: Trên thực tế, hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn hoàn toàn do các tổ chức tín dụng quyết định dựa trên đánh giá uy tín, tín nhiệm của khách hàng còn NHNN chỉ đóng vai trò điều hành tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống. Năm nay, NHNN đã phân bổ hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng là 14% theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Đối với vấn đề tỷ giá, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, khi xuất khẩu hàng hoá sang các nước phá giá nhiều thì họ được lợi hơn về giá. Tuy nhiên, đối với NHNN thì khi điều hành tỉ giá phải đứng trên cục diện của toàn quốc gia, bao gồm cả doanh nghiệp xuất khẩu và cả doanh nghiệp nhập khẩu.
“Năm 2022, Việt Nam xuất siêu hơn 12 tỷ USD, nhưng của doanh nghiệp FDI xuất siêu lên đến 36 tỷ USD. Doanh nghiệp trong nước bị thâm hụt do chi phí sản xuất của ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu nước ngoài. Nếu tỷ giá tăng lên sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu. Chưa kể, khi tỷ giá tăng thì doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng không yên tâm vì khi hoạt động ở đây có lãi nhưng khi họ chuyển về nước lại thấy không có lãi. Do vậy, chúng tôi xin nhắc lại, vấn đề ổn định tỷ giá phải cân nhắc trên cục diện của toàn nền kinh tế chứ không vì doanh nghiệp nào cả”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang tập trung khẩn trương sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tạo chủ động cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có vướng mắc gì hãy trao đổi trực tiếp với Bộ Tài chính
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhìn nhận: Tình hình các doanh nghiệp 8 tháng nay khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN cơ bản được ổn định, tuy nhiên vẫn còn khoảng 30% doanh nghiệp hoạt động thua lỗ. Do đó, việc cần làm ngay bây giờ là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đầu tiên, việc các doanh nghiệp cần hiện nay là mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài. Thứ hai, đó là tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp mà chủ yếu là huy động từ tín dụng. Do đó, chúng ta cần tháo gỡ từ thể chế, tháo gỡ từng vướng mắc để tạo động lực thúc đẩy cho doanh nghiệp.
Về sửa luật, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đang tập trung khẩn trương sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tạo chủ động cho doanh nghiệp; cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ quyết định các vấn đề lớn, quan trọng mang tính định hướng và tập trung việc kiểm tra, giám sát. Hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là người được chủ động quyết định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện quy định để nâng cao hiệu quả của hệ thống cảnh báo, giám sát để kịp thời phát hiện và đưa ra các khuyến nghị, giải pháp phù hợp.
Bộ Tài chính đang xin ý kiến của các DNNN cũng như các bộ, ngành liên quan. Cơ quan này cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn có vướng mắc gì hãy trao đổi với Bộ Tài chính để tháo gỡ. Bởi, nếu không tập trung vào việc sửa Luật thì khi thực thi sẽ vướng, sẽ không thể tạo động lực phát triển cho các DNNN mà là rào cản.
Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ