Ngày 27/7/2023, Đoàn công tác Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã có buổi làm việc với Bộ Công thương và tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) về kết quả 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW.
Đoàn do Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn công tác có đại diện các đơn vị: Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
Về phía Bộ Công Thương có Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ.
Quản trị cơ sở dữ liệu về an toàn lao động
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Bộ Công Thương có nhiều chỉ đạo kiên quyết, kịp thời các đơn vị trong ngành Công thương thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, sự cố, đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Quang cảnh buổi làm việc tại Bộ Công Thương
Đặc biệt, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã quán triệt thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW đến các cấp ủy Đảng và toàn thể cán bộ, Đảng bộ, đảng viên, người sử dụng lao động và người lao động trong ngành Công thương; đồng thời, tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 29-CT/TW và Luật ATVSLĐ; các văn bản hướng dẫn về công tác ATVSLĐ từng bước nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên đối với công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác ATVSLĐ; xây dựng Kế hoạch về việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá cao những kết quả của Bộ Công thương đạt được trong 10 năm Chỉ thị số 29-CT/TW
Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngành Công Thương đặt mục tiêu là nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, cải thiện môi trường lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; nâng cao năng lực chẩn đoán, khám phát hiện, điều trị bệnh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ y tế để điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ và người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được huấn luyện về ATVSLĐ theo quy định của pháp luật; người lao động được huấn luyện kỹ thuật an toàn lao động và trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân thiết yếu, phương tiện cấp cứu, cứu hộ cần thiết để phòng ngừa, ứng phó sự cố và tai nạn lao động trong quá trình làm việc.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân làm rõ thêm một số kết quả thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW
Chỉ tính riêng trong giai đoạn năm 2013 – 2018, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định, 45 Thông tư (bao gồm 39 Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn), 06 Chỉ thị và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành liên quan đến công tác ATVSLĐ. Các văn bản ban hành đã đáp ứng kịp thời, phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn trong sản xuất, giảm thiểu tai nạn lao động.
Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, từ năm 2013 đến tháng 6/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức 42 hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ; kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về công tác ATVSLĐ tại 270 đơn vị; tổ chức 22 hội đồng sát hạch, sát hạch lại kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động; cấp và cấp lại 756 chứng chỉ kiểm định viên, cấp 80 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động...
Đại diện Bộ Công Thương báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW
Qua ghi nhận, các Tập đoàn, Tổng Công ty thuộc Bộ Công Thương có nhiều cố gắng, thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, tăng cường biện pháp đảm bảo ATVSLĐ; tăng cường quản lý, kiểm tra ATVSLĐ, nhất là trong lĩnh vực có nguy cơ, rủi ro, cháy nổ cao. Công tác tuyên truyền, huấn luyện kỹ thuật an toàn lao động, phổ biến kiến thức pháp luật về ATVSLĐ cơ bản được duy trì và thực hiện thành nề nếp trong các đơn vị. Công tác kiểm định kỹ thuật an toàn máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được các đơn vị thực hiện đầy đủ theo quy định.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ về ATVSLĐ được các Tập đoàn, Tổng Công ty quan tâm triển khai thực hiện. Nhiều đơn vị đã xây dựng phần mềm Quản trị cơ sở dữ liệu về an toàn - sức khỏe - môi trường, trong đó bổ sung các nội dung báo cáo chi tiết theo yêu cầu mới của quy định pháp luật và mở rộng chức năng báo cáo, phân tích tai nạn sự cố...
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động, thành viên Đoàn công tác góp ý với báo cáo của Bộ Công Thương
Làm rõ thêm những kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW tại Bộ Công thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, cho biết: Nhiều năm qua, ngành Công thương luôn thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, trong đó đã đặt công tác ATVSLĐ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh với phương châm rõ ràng “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị trong ngành đã quan tâm và chú trọng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo ATVSLĐ, tạo môi trường làm việc đảm bảo an toàn cho người lao động...
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về ATVSLĐ
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Trưởng đoàn công tác, nhấn mạnh: Ngành Công thương giữ vai trò hết sức quan trọng, trọng yếu trong nền kinh tế; đồng thời cũng quản lý rất nhiều ngành công nghiệp, liên quan đến vấn đề rủi ro mất an toàn lao động. Công tác an toàn lao động của ngành Công thương không chỉ trong nước mà còn liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với các yêu cầu về tiêu chuẩn ngày càng cao hơn, trong đó có công tác ATVSLĐ.
Thành viên Đoàn công tác góp ý kiến với báo cáo thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW tại Bộ Công thương
Đối việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao những kết quả của Bộ Công thương đạt được trong 10 năm qua, ngành đã bám sát tất cả các nội dung của Chỉ thị để triển khai thực hiện trong toàn ngành. Từ việc nâng cao nhận thức đến công tác chỉ đạo, điều hành, thể chế hóa các nội dung của Chỉ thị đạt được nhiều kết quả ghi nhận. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, huấn luyện, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật; kinh phí đầu tư cho công tác ATVSLĐ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này được ngành Công thương thường xuyên chú trọng thực hiện hiệu quả, nghiêm túc.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, đề nghị: Thời gian tới, ngành Công thương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 29-CT/TW cũng như công tác ATVSLĐ; đồng thời đánh giá về các nội dung của Chỉ thị trước cuộc cách mạng 4.0, trước bối cảnh mới, công nghệ mới; bổ sung, đề xuất kiến nghị cụ thể sau 10 năm thực hiện Chỉ thị... Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chuyên môn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Công thương trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATVSLĐ, nhất là công tác huấn luyện, kiểm tra, kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh và Đoàn công tác kiểm tra tình hình thực tế triển khai Chỉ thị số 29-CT/TW tại HABECO
Cùng ngày Đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tình hình thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW tại tại Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO).
Tại đây, Ông Vũ Xuân Dũng Phó Tổng Giám đốc HABECO thông tin: HABECO hiện có 26 đơn vị thành viên với tổng số 515 cán bộ, nhân viên (Công ty mẹ). Hàng năm, Hội đồng ATVSLĐ của Công ty đều tổ chức tư vấn, phối hợp với người sử dụng lao động trong việc xây dựng nội quy, quy trình, kế hoạch và các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc giữa người lao động, người sử dụng lao động nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy cải thiện các điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động; nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Vũ Xuân Dũng - Phó Tổng Giám đốc HABECO
Nhiều năm qua, Tổng công ty luôn lấy Chỉ thị số 29-CT/TWW là kim chỉ nam để thực hiện các nội dung công việc liên quan đến công tác ATVSLĐ; Đảng ủy Tổng công ty luôn đưa công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác ATVSLĐ vào Kế hoạch công tác của Đảng bộ Tổng công ty, gắn công tác ATVSLĐ với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm về công tác ATVSLĐ cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp.
Bà Quách Thị Thu Huyền - Trưởng phòng Tổ chức Nhân sự Tổng công ty HABECO báo cáo công tác ATVSLĐ từ khi thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW
Hội đồng ATVSLĐ của Tổng công ty luôn quan tâm, chỉ đạo các phòng, ban, xưởng, Nhà máy và mạng lưới ATVSLĐ tại cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ nhân viên về công tác ATVSLĐ. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về Luật an toàn vệ sinh lao động; chú trọng việc kiểm tra, rà soát và khắc phục kịp thời những yếu tố gây mất ATVSLĐ; rà soát, củng cố lực lượng an toàn vệ sinh viên cơ sở làm nòng cốt thực hiện công tác ATVSLĐ...
Nguồn: Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội